Mỗi năm, cơ sở của anh Cường thu hút hàng chục nghìn khách, chủ yếu là người nước ngoài, tới xem nghề truyền thống của Việt Nam.
Anh Phạm Văn Cường sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhà anh ở ven sông Hồng, nơi có những bãi dâu xanh tốt, thích hợp với nghề ươm tơ, dệt lụa. Vào Nam Ban (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) lập nghiệp, anh mong muốn phát triển nghề truyền thống của quê hương.
Anh từng chạy xe đi khắp các hộ gia đình làm nghề trong tỉnh để thu mua kén, tơ sống. “Thời gian đầu, tôi phải cất công đi rất xa để có sản phẩm bán cho các nhà máy ươm tơ ở Đà Lạt và TP HCM”, anh Cường nói. Anh Cường cũng nhiều lần về làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) để học thêm về nghề dệt.
Nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, thị trấn Nam Ban có khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi cho cây dâu phát triển tốt và đảm bảo sức khỏe cho con tằm.
Theo anh Cường, tơ tằm Lâm Đồng đẹp, dài và bóng. Nếu bình thường một con kén ở ngoài Bắc nhả sợi tơ dài 300-500m thì ở đây, kén Lâm Đồng nhả tơ dài đến 1.000m.
Quy trình sản xuất bắt đầu từ việc mua kén rồi ươm tơ, dệt lụa, tẩy nhuộm, thiết kế sản phẩm, may thêu trang phục, tranh.
Công đoạn ươm tơ bằng phương pháp thủ công. Chủ cơ sở giữ nguyên cách thức sản xuất lâu đời để lưu giữ nghề truyền thống, kết hợp với làm du lịch, giới thiệu nét đẹp của nghề dệt với du khách.
Cơ sở ươm tơ dệt lụa ở Nam Ban tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương.
Bạn có thể tham quan phòng trưng bày của cơ sở hoặc đi vào bên trong nhà máy để xem nguồn gốc, quy trình sản xuất.
Nhiều du khách mua vải lụa tơ tằm, khăn lụa, tranh thêu, tơ các loại, đồ lưu niệm từ kén tằm.
Nhiều năm nay, cơ sở ươm tơ, dệt lụa của anh Cường được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Anh Cường cho biết, hiện mỗi năm, cơ sở thu hút khoảng 30.000 lượt khách, chủ yếu là người nước ngoài.
Sản phẩm lưu niệm từ kén, lụa tơ tằm để bán cho du khách.
Hồng Hà